Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Nan giải cấp điện cho đảo Gò Găng

Đầu năm 2013, 83 hộ dân và 1 trạm biên phòng thuộc thôn 9, đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, được Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Người dân thôn đảo vui mừng vì đã có điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, hệ thống này đưa vào sử dụng mới được hơn 3 năm đã có những bất cập, người dân lại phải sống trong cảnh không điện, đèn dầu tù mù.

Đảo Gò Găng có diện tích khoảng 1.700 ha, đường giao thông đi lại trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn, dân cư sống rải rác không tập trung khiến việc kéo điện lưới quốc gia đến từng gia đình khó thực hiện được. Thế nên, đầu năm 2013, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai “Ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời để phát điện phục vụ sinh hoạt”, với kinh phí gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh.

Ngay sau khi hoàn thành hệ thống điện mặt trời, Sở Công Thương tỉnh còn tiếp tục làm cầu nối vận động Công ty cổ phần Đông Á (chủ đầu tư cụm công nghiệp Đá Bạc - Châu Đức) tặng tivi cho tất cả các hộ gia đình được lắp điện mặt trời và một số gia đình nghèo ở Gò Găng.

Bà Nguyễn Thị Hoa Phượng, thôn 9 đảo Gò Găng, nhớ lại niềm vui mừng khôn xiết khi cách đây hơn 3 năm gia đình bà có tên trong danh sách 83 hộ của thôn đảo được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời. Bà chia sẻ, 50 tuổi bà mới được sử dụng điện để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Lúc đấy vừa có điện, vừa có ti vi để xem, bà Phượng đã nghĩ cuộc sống sẽ bớt vất vả hơn, các cháu học sinh cũng không phải cảnh học đèn dầu tù mù nữa. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời này đã khiến người dân nhanh chóng thất vọng. Vì bình ắc quy tích điện hết 1 năm bảo hành là bị hư hỏng liên tục, đem đi sửa chữa mãi rồi cũng chán, mà để mua thay thế một cặp bình mới cũng tốn đến khoảng 6 triệu đồng, người dân nghèo làm gì có tiền để mua. Khoảng 8 tháng gần đây điện năng lượng mặt trời của gia đình bà chỉ sử dụng được một lúc vào ban ngày, còn ban đêm lại phải quay lại cảnh thắp đèn dầu như lúc chưa có điện, vì bình đã xuống cấp nên việc tích điện không còn được nhiều và nhanh hết điện.

Theo ông Nguyễn Văn Trinh, trưởng thôn 9 đảo Gò Găng, hiện nay đảo Gò Găng có 230 hộ, với 875 nhân khẩu, trong số đó, mới có khoảng 50% số hộ được sử dụng điện (cả điện năng lượng mặt trời và điện lưới quốc gia), còn lại vẫn cảnh thắp đèn dầu. Những hộ được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời đều thuộc diện nghèo, khó khăn của thôn nên không có điều kiện sửa chữa thường xuyên và thay cặp bình ắc quy mới. Người dân thôn đảo Gò Găng cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề này, đồng thời mong muốn, Nhà nước sớm đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia để phục vụ việc sinh hoạt và sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Theo người dân thôn đảo, vì hiện nay hệ thống điện năng lượng mặt trời nếu có sửa chữa hoặc thay thế bình ắc quy thì điện cũng rất yếu chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu sinh hoạt của các hộ, còn phục vụ cho sản xuất thì không thể. Trong khi đó, hầu hết người dân trên đảo đều làm nghề nuôi thủy sản, làm muối, đánh bắt hải sản nên rất cần điện để phục vụ sản xuất.

Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, do bình ắc quy hư hỏng liên tục nên đã có một số hộ còn tự ý bán pin hệ thống điện năng lượng mặt trời. Khi chính quyền địa phương nắm được thông tin đã tiến hành thu hồi và tuyên truyền để người dân không được tự ý bán. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan cần nhanh chóng quy hoạch, xây dựng các trục đường xương sống trên địa bàn thôn đảo, để việc kéo điện lưới quốc gia tới các hộ dân trong thôn được dễ dàng hơn.

Ông Phạm Bá Lâm, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, do thôn đảo Gò Găng chưa có các trục đường xương sống kéo tới các tổ dân cư, nên không thể đầu tư được điện lưới quốc gia. Về lâu dài, tỉnh sẽ đầu tư điện lưới quốc gia, nhưng với điều kiện đường giao thông phải được thông suốt tới từng tổ dân cư thì việc kéo điện và phủ lưới điện mới tới hết các hộ dân trên đảo được.

Xem thêm: Cận cảnh xe năng lượng mặt trời tự chế đầu tiên của sinh viên Palestine

Nguồn: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nan-giai-cap-dien-cho-dao-go-gang-20160826230122505.htm

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Cận cảnh xe năng lượng mặt trời tự chế đầu tiên của sinh viên Palestine

Chiến tranh và bom đạn chưa bao giờ dập tắt đi khả năng sáng tạo của con người, đặc biệt đối với hai sinh viên chuyên ngành kỹ thuật cơ khí tại Palestine.

Theo Tân Hoa Xã, hai sinh viên chuyên ngành kỹ thuật cơ khí tại Palestine (quốc gia vẫn đang tranh chấp với Israel tại dải Gaza) đã chế tạo thành công nguyên mẫu chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời.


Nguyên mẫu chiếc xe hiện đang đưc cất giữ ở tầng trệt của một ngôi nhà tại thành phố Gaza. Bao bọc quanh xe là các tấm pin năng lượng mặt trời có thể chuyển đổi thành năng lượng hoạt động cho xe.

Hai sinh viên thiết kế ra chiếc xe đã phải mất một năm để thiết kế và tạo ra hoàn chỉnh nguyên mẫu chiếc xe ba bánh chạy bằng năng lượng Mặt trời. Toàn bộ chi phí khoảng 1.500 USD đều do hai người tự bỏ ra.


Thành viên Jamal Mikaty cho biết, họ muốn đạt được hai mục tiêu thông qua dự án với chiếc xe này. Mục tiêu đầu tiên là tạo ra một bước tiến khoa học lớn nhằm đuổi kịp các quốc gia khác. Mục tiêu thứ hai là đem kiến thức đã học tập được để phục vụ cộng đồng.

Mặc dù xe chỉ có thể đạt được tốc độ tối đa 30 kmh nhưng hai sinh viên đều khá vui mừng, đồng thời không quên nhắn nhủ rằng, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình hướng tới sản xuất xe chạy bằng năng lượng mặt trời trong tương lai của nhóm.

Mikaty chia sẻ: "Tôi tin rằng, dự án sẽ rất thành công tại Gaza nếu chúng tôi tìm được một nhà tài trợ bởi xe sẽ giúp người dân Gaza thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào nhiên liệu giá trên trời được nhập khẩu từ Israel".


Gaza sở hữu nguồn năng lượng Mặt trời khá dồi dào với hơn 300 ngày nắng trong năm. Tuy nhiên có tới 1,9 triệu người dân tại Gaza không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng nguồn nhiên liệu đắt đỏ được nhập từ Israel để nạp cho phương tiện giao thông và các nhà máy.

Theo hiệp định Oslo giữa Israel và Palestine, Israel được phép kiểm soát gần như toàn bộ việc cung cấp nhiên liệu cho Palestine. Trong khi đó, chính phủ Palestine không được phép bán nhiên liệu ít hơn 15% so với giá thị trường của Israel.


Được biết dự án trên của hai sinh viên kỹ thuật cũng được trường Đại học al-Azhar thuộc dải Gaza ủng hộ. Giáo sư Mazen Abu Amer tại Khoa kỹ thuật thuộc trường Đại học al-Azhar chia sẻ, ý tưởng tạo ra một chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời là một điều hoàn toàn mới tại Gaza. Ông cũng khẳng định sẽ hỗ trợ dự án tới cùng, đặc biệt khi sản phẩm được thương mại hóa thành công.

>> Thực hiện dự án sạc điện thoại miễn phí tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/1922859/can-canh-xe-nang-luong-mat-troi-tu-che-dau-tien-cua-sinh-vien-palestine

Thực hiện dự án sạc điện thoại miễn phí tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Theo anh Trần Quang Huy thành viên nhóm Thế hệ ưu tú, mô hình cây mặt trời (solar tree) giúp sạc các thiết bị điện tử sẽ được lắp đặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) ngay sau khi kêu gọi được vốn tài trợ. Đây là dự án phi lợi nhuận với mục đích mong muốn nâng cao ý thức và tuyên truyền sử dụng năng lượng sạch cho cộng đồng.

Mô hình Cây mặt trời của nhóm Thế hệ ưu tú
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, anh Trần Quang Huy, thành viên nhóm Thế hệ ưu tú chia sẻ: “Xuất phát từ ý tưởng muốn sử dụng năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời để phục vụ cộng đồng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nên nhóm đã cùng suy nghĩ, tìm tòi và ý tưởng về cây mặt trời đã ra đời”.

Cây mặt trời (solar tree) là dự án mà nhóm Thế hệ ưu tú đang ấp ủ để đưa vào ứng dụng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Solar tree được thiết kế với hình dáng một cái cây với thân cây nhỏ gọn giúp tăng tính thẩm mỹ cho cảnh quan. Nhưng điều đặc biệt, cây có thể dùng để sạc pin cho các thiết bị điện tử, chiếu sáng vào ban đêm.

Phân tích về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cây mặt trời, anh Huy cho biết solar tree tích hợp cổng USB 5V 1A- 2A và các đầu sạc phù hợp với dòng điện thoại hiện nay. Người dùng có thể sạc trực tiếp tại đây điện thoại hoặc máy tính bảng.


“Hiện tại thiết bị gồm: 3 tấm pin mặt trời (mỗi tấm 150W), bộ phận điều khiển sạc, cáp sạc, thân trụ của cây... Ban ngày ánh sáng mặt trời chiếu vào tấm pin mặt trời sẽ chuyển hóa quang năng thành điện năng và lưu trữ trong ắc quy để dùng cả ngày, sản phẩm có thể sạc cho nhiều loại điện thoại”, anh Huy nói thêm.

Trong quá trình nghiên cứu, anh Huy cùng các thành viên trong nhóm Thế hệ ưu tú đã đưa ra nhiều phương án khác nhau nhằm mục đích giúp người dùng có thể sạc các thiết bị điện tử trong điều kiện thời tiết xấu.

Chính những trăn trở đó đã được cả nhóm tiếp tục thực hiện và thiết kế mô hình Cây mặt trời có bình ắc quy lưu trữ điện giúp mô hình có thể sử dụng 2 ngày trong điều kiện thời tiết xấu.

Khi nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm này, anh Huy chia sẻ: “Mục đích của nhóm khi tạo ra solar tree chính là việc đem lại một mô hình nhỏ gọn, nhiều tính năng và đặc biệt phải thân thiện với môi trường. Đồng thời, mô hình này sẽ giúp cho cộng đồng có thêm ý thức về bảo vệ môi trường, áp dụng năng lượng sạch vào đời sống…”.

Cũng theo anh Huy, trong một tương lai gần, nhóm sẽ lắp đặt solar tree ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) và đây hoàn toàn là dự án phi lợi nhuận với mong  muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người và tuyên truyền sử dụng năng lượng sạch.

Bày tỏ dự định cho dự án trong thời gian tới, anh Huy hào hứng cho biết nhóm rất muốn nhân rộng mô hình solar tree tới các thành phố trên cả nước Việt Nam với thông điệp: "Hãy sử dụng năng lượng sạch vì môi trường".

Được biết nhóm Thế hệ ưu tú là tập hợp những người trẻ đam mê nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực, họ coi trọng sáng tạo và mong muốn cống hiến cho cộng đồng. Và dự án solar tree của nhóm đang trong giai đoạn tìm kiếm đầu tư.

>> Đề xuất xây nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ đồng tại Quảng Ngãi

Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thuc-hien-du-an-sac-dien-thoai-mien-phi-tai-pho-di-bo-nguyen-hue-41152.html

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Đề xuất xây nhà máy điện mặt trời 5.000 tỷ đồng tại Quảng Ngãi

Công ty TNHH Kimin Power của Vương quốc Anh vừa đề xuất đầu tư dự án Năng lượng mặt trời tại xã Phổ An với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.


Theo tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Kimin Power của Vương quốc Anh về đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại xã Phổ An.

Lãnh đạo Kimin Power cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát sơ bộ tại khu vực xã Phổ An, huyện Đức Phổ cho thấy, khu vực này có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời.

Do vậy doanh nghiệp này đã đề nghị tỉnh tạo điều kiện để họ sớm triển khai dự án năng lượng mặt trời tại đây với công suất 150 MW. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 250 ha.

Kiến trúc xây dựng của dự án gồm có các phần chính như: lắp đặt hệ thống tấm quang điện, hệ khung giá đỡ và đường nội bộ giữa các dãy tấm pin, mương cáp (diện tích khoảng 210 ha); Xây dựng hệ thống máy biến áp nâng áp 0,4/22kV công suất từ 2-2,5MVA, trạm biến áp 110kV và nhánh rẽ đấu nối (diện tích khoảng 10 ha), phần diện tích đất còn lại dùng xây dựng nhà điều hành…

Tổng vốn đầu tư dự án trên 5.000 tỷ đồng.

Qua báo cáo ý tưởng của công ty, lãnh đạo tỉnh thống nhất với đề xuất của doanh nghiệp. Dự án được triển khai sẽ góp phần quan trọng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện rất lớn cho người dân Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung trong thời gian đến.

Theo lãnh đạo Quảng Ngãi, dự án sẽ giải quyết việc làm và góp phần quan trọng vào việc thu ngân sách cho địa phương.

Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc giảm phát thải những khí gây ô nhiễm môi trường trong quá trình đốt và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty lập các thủ tục liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong đó, lưu ý nhà đầu tư cần đánh giá kỹ về tính hiệu quả dự án, thời gian triển khai thực hiện dự án và thực hiện quy hoạch ngành điện.

>> Nông dân xài điện mặt trời

Nguồn: http://bizlive.vn/dia-oc/de-xuat-xay-nha-may-dien-mat-troi-5000-ty-dong-tai-quang-ngai-1895190.html

Nông dân xài điện mặt trời

Hàng chục nông hộ ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư vốn lắp đặt hệ thống máy bơm nước sử dụng năng lượng mặt trời để tưới mía

Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời ở xã Quảng Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cho những cánh đồng mía không thể kéo điện vào.

Gia đình ông Trần Văn Hoàng là một trong những hộ chuyên canh mía đầu tiên ở xã Quảng Sơn đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm nước sử dụng điện từ năng lượng mặt trời. Theo ông Hoàng, tổng kinh phí cho cả hệ thống khoảng 70 triệu đồng, trong đó, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) hỗ trợ 50%, còn lại Công ty CP Mía đường Phan Rang cho vay không lãi. “Trước đây, do không thể kéo điện vào, hơn 3 ha mía của tôi phải chạy máy dầu để tưới, tốn khoảng 30 triệu đồng/vụ. Sau khi lắp đặt hệ thống pin mặt trời, vụ mía vừa rồi, tôi không tốn tiền mua dầu. Như vậy, chỉ sau 2 vụ mía, tôi có thể trả hết vốn đầu tư” - ông Hoàng tính toán.

Hệ thống năng lượng mặt trời để bơm nước ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận
Láng giềng của ông Hoàng, chị Bùi Bích Thủy, cho biết lúc đầu chị cũng phân vân vì chi phí đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, thấy bà con xung quanh sử dụng hiệu quả nên chị lắp đặt. “Hệ thống năng lượng mặt trời tiện dụng lắm. Khoảng 8 giờ, khi nắng lên là hệ thống hoạt động tốt rồi. Chỉ cần bật công tắc điện, máy bơm sẽ đưa nước theo đường ống dẫn vào tận chân ruộng mía, đỡ tốn công chực chờ nước như trước đây” - chị Thủy nói.

Không chỉ bơm nước, hệ thống năng lượng mặt trời còn cung cấp điện chiếu sáng cho các rẫy mía. Ông Lê Văn Thìn, cán bộ Công ty CP Mía đường Phan Rang, xác nhận đã có trên 20 hộ chuyên canh mía ở xã Quảng Sơn lắp đặt hệ thống pin mặt trời để canh tác. Các hệ thống này hoạt động ổn định. Sắp tới, công ty tiếp tục khuyến khích bà con vay vốn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời theo phương thức trả dần trong 5 năm, không tính lãi.

Sau cuộc khảo sát mới đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận nhận định với đặc thù thời tiết của địa phương có đến 9 tháng nắng/năm, mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để bơm nước là phù hợp. “Theo tính toán, hệ thống năng lượng mặt trời có vốn đầu tư khoảng 70 triệu đồng có thể tưới cho 8-10 ha mía, giảm hơn 50% so với chạy máy dầu” - một cán bộ khuyến nông so sánh.

Để tăng hiệu quả của hệ thống năng lượng mặt trời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận dự định phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, lắp đặt thêm dàn tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước trong mùa khô hạn.

>> Cỗ máy năng lượng nhiệt hạch: Mặt trời trong tương lai của loài người

Nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/nong-dan-xai-dien-mat-troi-20160817213029816.htm

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Cỗ máy năng lượng nhiệt hạch: Mặt trời trong tương lai của loài người

ITER sẽ trở thành một nguồn phát điện với công suất 500MW.

Lò phản ứng nhiệt hạch trị giá 14 tỷ USD mang tên ITER
Với đường kính và chiều cao đều đạt 30m, lò phản ứng nhiệt hạch trị giá 14 tỷ USD mang tên ITER (viết tắt của International Thermonuclear Experimental Reactor - Dự án Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế) sẽ trở thành lò phản ứng năng lượng nhiệt hạch lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học khẳng định dự án này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng năng lượng nhiệt hạch của loài người, một kỷ nguyên mà giới khoa học đã chuẩn bị không biết mệt mỏi trong suốt hơn 40 năm qua.

Bằng phương pháp tổng hợp hạt nhân hai đồng vị của hydro - deuterium và tritium, ITER sẽ trở thành một nguồn phát điện với công suất 500MW. Con số này tương đương với 10 lần mức năng lượng nó cần để hoạt động, vì lẽ đó ITER được kỳ vọng sẽ trở thành lò phản ứng nhiệt hạch đầu tiên thu hẹp khoảng cách giữa những công trình mang tính chất nghiên cứu như lò phản ứng tổng hợp hạt nhân dạng Stellarator lớn nhất thế giới có tên Wendelstein 7-X của Đức với trị giá lên tới một tỷ Euro và những nhà máy năng lượng nhiệt hạch có thể cung cấp năng lượng cho những thành phố lớn trong tương lai.

Tháng 6/2015, tổng kinh phí xây dựng lò ITER đã vượt quá con số 14 tỷ USD nhưng các chuyên gia khẳng định đây là một sự đầu tư hoàn toàn xứng đáng. Phản ứng tổng hợp hạt nhân chính là quá trình chính tạo nên sức mạnh của những ngôi sao như Mặt Trời của chúng ta nên mục tiêu xây dựng một nhà máy năng lượng nhiệt hạch có thể so sánh với việc “tạo ra một mặt trời trên trái đất và cắm dây điện vào nó để sử dụng” - trích lời của Jonathan Menard, chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch của Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma Princeton. Ngoài ra, năng lượng nhiệt hạch có những lợi thế rõ rệt so với những kiểu năng lượng hiện nay:

- Chất thải từ quá trình tổng hợp hạt nhân hoàn toàn có thể tái chế trong vòng 100 năm, chúng không hề mang tính phóng xạ nên hoàn toàn thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

- Tỷ lệ xảy ra tình trạng mất kiểm soát lò phản ứng là con số 0 tròn trĩnh vì chỉ cần một sự cố dù nhỏ nhất cũng khiến lò phản ứng không thể hoạt động. Điều này hạn chế khả năng xảy ra những thảm họa hạt nhân như Chernobyl hay Fukushima xuống mức thấp nhất có thể.

- So với những loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên hay dầu mỏ, nguyên liệu cho lò phản ứng nhiệt hạch chính là nước biển - đây chính là cơ sở để nói về một nguồn năng lượng sạch và hoàn toàn có khả năng tái tạo một cách an toàn.

>> Hệ thống mái nhà hoàn toàn bằng các tấm năng lượng mặt trời

Nguồn: http://www.tapchigiaothong.vn/co-may-nang-luong-nhiet-hach-mat-troi-trong-tuong-lai-cua-loai-nguoi-d30439.html

Hệ thống mái nhà hoàn toàn bằng các tấm năng lượng mặt trời

Hệ thống mái nhà năng lượng mặt trời không còn là điều mới mẻ ở khắp trên nước Mỹ. Tuy nhiên, các tấm năng lượng mặt trời thường được thêm vào sau khi đã có bản thiết kế của tòa nhà. Công ty SolarCity của tỷ phú Elon Musk với mục tiêu thay đổi thiết kế hệ thống mới nhà hoàn toàn bằng pin mặt trời và tích hợp với gói pin dự phòng của Tesla có thể cho phép chủ nhà sử dụng năng lượng mặt trời cả ban ngày lẫn ban đêm.


Các sản phẩm mới của SolarCity hướng tới những khách hàng đang sở hữu những ngôi nhà có hệ thống mái đã cũ do vậy việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời sẽ mất thời gian và chi phí sửa chữa, bảo trì cao. Thay vì chờ đợi khách hàng có nhu cầu cải tạo ngôi nhà của họ SolarCity có thể cung cấp cho khách hàng những mái nhà hoàn toàn mới, bền hơn so với hệ thống mái nhà cũ họ đã có trước đây.


Tuyên bố của SolarCity cũng gợi ý một hướng đi mới cho công ty đó là kết hợp với các công ty khác của Musk. Hai tuần trước, Musk giải thích rằng, công ty mới của ông sẽ tập trung vào việc cung cấp giải pháp năng lượng sạch chứ không đơn thuần là cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời và xe hơi chạy bằng năng lượng điện. Việc sáp nhập được dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch của Tesla cho Model 3 sắp tới và việc mở cửa Gigafactory.

>> Nhà máy điện Mặt Trời làm từ 10.000 tấm gương khổng lồ

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/he-thong-mai-nha-hoan-toan-bang-cac-tam-nang-luong-mat-troi.html