Khi năng lượng hóa thạch, năng lượng sạch đang dần cạn kiệt, trong khi giá thành lại cao thì năng lượng mặt trời, năng lượng gió vốn rất phong phú nhưng lại chưa có được những chính sách sử dụng cụ thể, khoa học.
Theo đánh giá trong báo cáo “Xanh hóa gói điện năng” của Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), than đá là một trong những nhiên liệu tuy rẻ nhưng sẽ khiến môi trường và chất lượng sống ở Việt Nam phải trả giá đắt bởi những hệ lụy về môi trường, sức khỏe con người.
Cụ thể, Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu than để sản xuất điện. Trong khi đó, xét về mặt môi trường, sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện lực đang là nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính trong tương lai. Trong đó, theo tính toán của các nhà khoa học, Việt Nam sẽ phát thải 7,4 tấn carbon dioxide theo đầu người vào năm 2030.
Để giảm thiểu tình trạng này, năm 2015, Việt Nam thỏa thuận các mục tiêu phát triển bền vững và “Kết quả Paris” về Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và đưa ra Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2030 với tầm nhìn đến 2050. Trong đó, bổ sung mạnh các mục tiêu về điện mặt trời và cho đến năm 2050, điện mặt trời chiếm 20% tổng sản lượng điện toàn Việt Nam.
Theo nhiều nhà khoa học nhận định, điện mặt trời có lợi thế rất lớn so với các nguồn năng lượng hóa thạch bởi nó rất ít tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe hoặc sinh kế người dân, góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Với đặc trưng giá thành thấp, các dự án điện mặt trời có thể giúp các cộng đồng vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các doanh nghiệp có khả năng cải thiện nguồn cung cấp điện và giảm chi phí tiền điện.
Trong khi sự phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ thì tại Việt Nam, những tác động làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và xã hội của nhiệt điện than chưa được đánh giá đầy đủ và tính toán vào giá thành. Giá điện cần minh bạch và bao gồm đầy đủ các chi phí liên quan đến môi trường, xã hội, thuế carbon; có như thế mới tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo cạnh tranh được về giá.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (miền Bắc), bà Lê Thị Thúy Hồng phân tích: “Việt Nam là quốc gia nhỏ nhưng lại có nguồn năng lượng mặt trời lớn, sức gió cao. Vì vậy, tiềm năng để sử dụng các năng lượng sạch của chúng ta hoàn toàn không thua kém gì các nước tiên tiến. Khi năng lượng hóa thạch, năng lượng sạch đang dần cạn kiệt, giá thành lại cao thì năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang rất phong phú, vô biên. Thay vì lãng phí chúng, hãy biến chúng trở thành năng lượng điện phục vụ cho cuộc sống thường ngày”.
Mặt khác, những rào cản pháp lý, những biện pháp đảm bảo việc khai thác, sử dụng điện mặt trời tại Việt Nam cũng như những chính sách chưa thực sự cụ thể, rõ ràng.
Theo bà Hồng, rào cản lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là việc làm thế nào để tạo ra được những sản phẩm mang chính thương hiệu Việt với giá thành thấp để người dân dễ dàng sử dụng. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có chính sách rõ ràng về việc sử dụng cũng như bảo tồn năng lượng sạch.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, anh Trần Quang Huy, nhóm Thế hệ ưu tú và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, chính sách để phát triển năng lượng sạch đã có nhưng chưa hiệu quả. Trong khi điện sản xuất ra bây giờ giá quá cao nên Chính phủ cần có sự hỗ trợ nhiều hơn thì mới mong giảm được giá thành. Có làm được vậy, doanh nghiệp mới có hứng thú đầu tư. Ngoài ra, khoa học kỹ thuật của Việt Nam cũng cần được đầu tư nhiều hơn nữa”.
Trong khi đó, các chuyên gia của UNDP Việt Nam nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Đặc biệt, UNDP khuyến nghị cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo; đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, không thể phủ nhận được rằng việc xây dựng Nhà máy quang điện mặt trời Thiên Tân tại tỉnh Quảng Ngãi và Nhà máy quang điện Tuy Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận cũng là một minh chứng cho sự phát triển, bắt kịp xu thế năng lượng sạch trên thế giới hiện nay của Việt Nam.
>> Cuộc đua chế tạo pin Mặt Trời trong suốt có thể gắn vào cửa sổ
Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/van-con-rao-can-trong-giai-phap-su-dung-nang-luong-mat-troi-tai-viet-nam-38727.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét